KINH NGHIỆM DẠY TIẾNG VIỆT CHO CON Ở THỤY SĨ
(11/02/2018) | Dịch thuật Tin tứcDù ở nhà hay ra ngoài đường, con gái luôn nói tiếng Việt với mình. Bé không bao giờ mắc cỡ khi nói và hát tiếng Việt cho mọi người nghe, đó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện ngay từ những năm tháng đầu đời.
Mình năm nay 36 tuổi, đã sống gần 10 năm tại Thụy Sĩ. Mình lấy chồng là người bản địa và có một cô con gái 6 tuổi tên là Camilla ThyThy.
Ngày xưa, khi chưa có ThyThy, mình luôn đặt ra mục tiêu cho chính mình rằng khi nào có con, mình sẽ quyết tâm và cố gắng bằng mọi giá để dạy con mình nói tiếng Việt. Trước khi có bầu, mình tìm đọc rất nhiều tài liệu để tự tin hơn trong cách làm mẹ và dạy con, nhất là làm thế nào để dạy cho bé nói tiếng Việt giỏi và yêu thích ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Đối với trẻ con có cả cha lẫn mẹ cũng như ông bà cùng là người Việt Nam, điều này không quá khó, do cả nhà cùng nói chung một thứ ngôn ngữ. Còn với ThyThy nhà mình, điều này khó khăn hơn nhiều do chỉ có mỗi mẹ nói tiếng Việt và gia đình lại sống tại một nơi lại có rất ít người Việt Nam.
Bản thân mình giao tiếp hàng ngày với chồng và mẹ chồng bằng tiếng Anh, ngoài ra còn phải cố gắng học thêm tiếng Italy. Dạy ThyThy nói tiếng Việt giỏi là điều không phải dễ dàng đối với hai mẹ con, nhưng mình luôn tin rằng, nếu cố gắng hết sức và tìm hiểu đúng cách dạy thì con sẽ nói được, cho dù chỉ học từ mẹ.
ThyThy rất yêu tiếng Việt và trang phục dân tộc
Học từ trong bụng mẹ
Thực ra việc dạy bé học tiếng Việt không khó nếu chúng ta bắt đầu từ khi còn bé trong bụng mẹ và kiên trì tiếp vào những năm tháng đầu đời của bé. Khi mang thai con gái đầu lòng, mình luôn hát hò, đọc truyện và thủ thỉ với con những câu từ đơn giản để bé nghe mỗi ngày, giúp bé cảm nhận về sự quan tâm của mẹ, cũng như để bé quen dần giọng nói và ngôn ngữ của mẹ, tránh bị lạ lẫm khi ra đời.
Những năm tháng đầu, mình phải tập nói chuyện với bé thật nhiều. Ngay từ khi ThyThy còn bé, mình thường thủ thỉ với con gái rằng, phải học giỏi tiếng Việt để trò chuyện với mẹ cho tình cảm và để còn có thể trò chuyện với ông bà ngoại của mình ở Mỹ. Ngoài tiếng Việt ra, bà ngoại ThyThy không biết thêm ngôn ngữ nào khác.
Do ở cách xa hàng nghìn cây số, một đến hai năm mới có cơ hội gặp nhau một lần, nên để nuôi dưỡng tình cảm bà cháu, cách tốt nhất là phải thường xuyên trò chuyện, liên lạc với nhau. ThyThy hàng tuần vẫn trò chuyện bằng tiếng Việt với ông bà ngoại qua điện thoại hay Internet. Cô bé rất thương ông bà và thậm chí khi được hỏi về lựa chọn nơi sống, ThyThy đã chọn qua Mỹ để được sống để được gần ông bà ngoại, các cậu mợ và các em họ của mình.
Để tạo cho ThyThy thói quen ham học từ mới, mình thường chọn những mẩu chuyện ngắn với những từ ngữ thông dụng, đơn giản và dễ hiểu nhất để đọc cho con nghe từ bé. Trong mỗi câu chuyện, nếu có từ nào mà mình chưa từng sử dụng với bé, mình thường dừng lại vài giải thích nghĩa của từ đó cho con trước khi tiếp tục câu chuyện. Nhờ vậy mà càng lớn ThyThy càng để tâm và luôn thắc mắc mỗi khi nghe những từ ngữ lạ.
Lớn lên một chút, mình cho ThyThy xem DVD học tiếng Việt. Qua đó, bé vừa nghe cách dạy học từ và vừa được học hát, tiếng Việt của bé ngày càng tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, bật nhạc thiếu nhi Việt Nam để bé nghe mỗi ngày cũng là một trong những cách để kích thích trí não và việc học ngôn ngữ của bé.
Kiên trì
Qua kinh nghiệm của mình, để thành công trong việc dạy tiếng Việt cho các bé sống tại nước ngoài, nhất là những bé chỉ mang 50% dòng máu Việt thì điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thật kiên trì.
Cha mẹ phải chăm trò chuyện với con để tạo thói quen giúp trẻ thích giao tiếp. Càng nói thì trẻ sẽ càng giỏi ngôn ngữ hơn, bởi có những từ ngữ phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày và mất một thời gian rất dài bé mới tự nhớ được. Nếu chúng ta thiếu kiên nhẫn thì rất dễ bỏ cuộc trong quá trình dạy con.
ThyThy cũng như nhiều em bé khác. Đôi lúc mình dạy những từ thật đơn giản nhưng phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần ThyThy mới nhớ. Hồi ThyThy 3 tuổi, mới đi học mẫu giáo, cô giáo nói tiếng Italy, bé không hiểu gì nên cứ “dạ” với cô. Nhiều hôm cô giáo phải nói cả tiếng Anh để cho bé hiểu những gì cần làm.
Để ThyThy nói tiếng Việt giỏi như bây giờ, mình cũng phải cảm ơn ông xã mình nhiều lắm. Bản thân chồng mình hiểu rằng, ở một nơi xa xôi không có người Việt như nơi này, việc dạy bé nói giỏi tiếng Việt không phải là điều dễ dàng. Ngay từ khi có con, chồng mình đã luôn khuyến khích và ủng hộ việc dạy con nói tiếng Việt trước các ngôn ngữ khác.
Ông xã cũng cố gắng hiểu những từ đơn giản và thông dụng mỗi ngày trong tiếng Việt để chăm sóc con, ví dụ như là “bồng con”, “lấy nước cho con”… Khi trả lời con thì ông xã mình dùng tiếng Anh, nhờ thế vốn tiếng Anh của ThyThy cũng tăng lên nhiều. Sau này đi học, bé biết thêm tiếng Italy.
Quyết đoán
Trí não của trẻ con rất nhanh nhạy vì vậy các bạn đừng lo lắng con mình sẽ không nói được ngôn ngữ nơi chúng đang sinh sống. Đa số trẻ em Thụy Sĩ ngay từ nhỏ đã nói được 2-3 ngôn ngữ dễ dàng, vì cha mẹ chúng đa số đến sinh sống tại Thụy Sĩ từ nhiều nước khác. Có hơn 50% các bé trong lớp ThyThy đang sử dụng nhiều ngôn ngữ một cách thành thạo.
Qua học hỏi từ các bà mẹ và những người quen biết, bí quyết thành công mà mình muốn chia sẻ là khi bé không chịu nói tiếng mẹ đẻ, các bạn không nên đáp ứng nhu cầu cho bé. Bé sẽ nhận ra rằng nếu mình không nói ngôn ngữ của cha mẹ, mình sẽ không được đáp ứng nhu cầu và tìm cách nói lại ngôn ngữ mà bé thường hay sử dụng với cha mẹ trước đây.
Dĩ nhiên, muốn thực hiện điều này thì cha mẹ cũng phải nghiêm túc trong việc sử dụng ngôn ngữ với con, tránh pha lẫn nhiều ngôn ngữ để tạo thói quen chỉ sử dụng một thứ tiếng khi nói cho bé.
Giai đoạn lúc ThyThy vừa mới đi mẫu giáo, cũng như nhiều em bé sống tại nước ngoài, ThyThy cảm thấy chán khi hát hò những bài hát tiếng Việt mà chỉ thích tiếng Italy và Anh. Khi vừa nhận ra dấu hiệu này, mình đã không cho ThyThy nghe nhạc tiếng Anh và Italy mỗi khi chỉ có hai mẹ con với nhau nữa. Thay vào đó mình hát hò nhiều hơn cho con nghe, đọc truyện thường xuyên hơn và mở nhạc Việt suốt ngày để kích thích lại niềm yêu thích ca hát trong con.
Thỉnh thoảng, mình cũng “hào phóng” cho con nghe tiếng Italy hoặc Anh một chút sau những buổi luyện tiếng Việt. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, ngày qua ngày ThyThy đã yêu những bài hát tiếng Việt trở lại và từ đó trở đi, bé cân bằng hết ba ngôn ngữ, không còn thiên vị ngôn ngữ nào nữa.
Động viên
Bây giờ ThyThy gần 6 tuổi nhưng vốn tiếng Việt của bé rất tốt, biết rất nhiều từ, kể cả những từ địa phương, trong đó những từ địa phương của người miền Trung như mô, răng rứa, bổ, hoang (đâu, sao vậy, té ngã, nghịch)…
Mỗi khi ra đường, ThyThy thường khoe rằng mình có thể nói 3 thứ tiếng. Nghe bé nói được tiếng Việt, ai cũng khen ngợi, giúp bé càng yêu thích và tự hào hơn về tiếng mẹ đẻ của mình. Dù ở nhà hay ra ngoài đường, ngôn ngữ chính mà bé nói với mình luôn là tiếng Việt. Bé không bao giờ cảm thấy mắc cỡ khi nói và hát tiếng Việt cho những người sống bên này nghe, mà ngược lại rất lấy làm hãnh diện.
Cũng nhờ những lời khen tặng mọi người, dù họ không hiểu những gì ThyThy nói, mình càng tự tin hơn trong việc dạy tiếng Việt cho con. Mình thường thủ thỉ với ThyThy rằng, ai cũng khen bé là nhờ bé giỏi một lúc 3 ngôn ngữ, vì vậy phải luôn cố gắng học để không bị quên mất những gì mình đã biết, càng biết nhiều ngôn ngữ thì sẽ rất có lợi cho trí não sau này, khi cần học thêm một ngôn ngữ nào đó sẽ rất dễ dàng.
Đây là những kinh nghiệm mình đã đúc rút được và đang thực hiện hàng ngày trong quá trình dạy tiếng Việt cho con gái. Mong rằng những chia sẻ này sẽ ít nhiều hữu ích cho các ông bố, bà mẹ. Chúc cho các bé sống tại nước ngoài ngày càng nói giỏi tiếng Việt hơn.