CÂU CHUYỆN DỊCH TỪ TIẾNG VIỆT SANG TIẾNG ANH CỦA MỘT NGƯỜI MỸ
(30/12/2017) | Dịch thuật Dịch thuật chuyên nghành Tin tứcTừ sự tương đối của ngôn từ trong dịch thuật đến sự đoàn kết của con người
Tôi từng có dịp được giao lưu với một anh bạn người Mỹ tên là Tom, lúc đó đang là một giáo viên dạy tiếng Anh. Anh đã ở Việt Nam được 6 năm và nói tiếng Việt rất sõi, vì thế, anh thường hay được người ta mời đi phiên dịch. Trong quá trình dạy học và phiên dịch, anh hay nhận được những câu hỏi về nghĩa tiếng Anh của một từ tiếng Việt. Có khi mọi người hỏi anh về một từ rất dễ như từ “lúa” hay “giấy” chẳng hạn, có khi họ lại hỏi anh về một từ mới, nghe rất kỳ lạ như từ “ngoằn ngoèo”. Và họ cũng hỏi cả về những từ phức tạp trong tiếng Việt như “nông nghiệp bền vững” và họ cảm thấy bối rối khi anh dịch cụm từ này là “sustainable agriculture”. Trong tiếng Anh, cụm từ này cũng không bớt phức tạp hơn. Nhưng khó nhất là khi người ta hỏi anh về một từ tiếng Việt mà anh đã biết từ lâu rồi và đã hiểu nghĩa của nó thật chính xác, nhưng vẫn không thể dịch sang tiếng Anh được, tức là nếu như dịch từ đó sang tiếng Anh thì nghĩa chính xác của nó không tự nhiên trong tiếng Anh một chút nào. Còn nếu dịch theo cách nói tự nhiên trong tiếng Anh thì lại đánh mất một tính chất quan trọng của từ tiếng Việt ấy.
Một số từ mà anh kể với tôi là: “đi phượt”, “bánh”, “tệ nạn”, “đa tình”, “thương”. Về từ “đi phượt”, anh nói anh đã từng đi chơi rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam dưới hình thức đi phượt nhưng vẫn không biết phải dịch sang tiếng Anh từ đó như thế nào cho đúng. Tôi đưa ra một số đáp án như “motorcycle touring” hay “motorcycle adventuring” nhưng anh nói đều không đúng. Đáp án của Tom chỉ là “motorbike trip”. Từ này rõ ràng cũng không đầy đủ nhưng anh nói chẳng còn sự lựa chọn khác. Về từ “bánh”, anh thấy bánh ở Việt Nam đa dạng hơn bánh ở Mỹ nhiều nên anh cũng không biết gọi chung từ “bánh” bằng tiếng Anh như thế nào cho chính xác. Tom cho rằng khi phiên dịch thì cứ gọi “bánh cuốn” là “bánh cuốn” rồi mời người ta đi ăn một bữa để biết đó là gì, còn khi biên dịch thì cứ dịch “bánh cuốn” là “banh cuon” chứ không nên dịch là “rolled cake” vì nghe cực kỳ buồn cười.
Về từ “tệ nạn”, anh nói chỉ thấy xuất hiện trong cụm từ “tệ nạn xã hội” mà người Việt hay dịch là “social evils”. Tom nhận xét đây là một cách dịch rất cũ, chỉ gặp trong bài diễn thuyết của một chính trị gia cộng sản vào đầu thế kỷ 20. Đối với các tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn lậu, bạo lực thì anh dịch chung là “crimes”. Nhưng đối với trường hợp tệ nạn như nghiện rượu thì anh thấy không dịch là “crimes” vì mua và uống rượu không phải là phạm pháp mà phải dịch là “social problem”. Nhưng Tom bảo chẳng thể tìm ra một cụm từ chính xác tương ứng cho cụm từ “tệ nạn xã hội”. Về từ “đa tình”, đây cũng là một từ mà anh bó tay khi dịch nó. Từ điển trực tuyến đưa ra khá nhiều từ tương đương trong tiếng Anh nhưng anh thấy đều không đúng. Ví dụ “sentimental” thực ra là “ủy mị”, “amorous” thì là từ cũ đến mức có nhiều người bản ngữ còn không biết từ này, “flirtatious” là thích tán tỉnh, “lots of love” thì quá dài còn “highly sexual” thì quá nặng. Cuối cùng là từ “thương”. Theo Tom, đây là một từ rất hay vì vừa có nghĩa là yêu, vừa có nghĩa là muốn chăm sóc người ta. Nếu dịch là “to love tenderly” như trên từ điển trực tuyến thì nghe quá sến. Vì tiếng Anh đã mượn khá nhiều từ tiếng nước ngoài như “noodle” của tiếng Đức, “novel” của tiếng Ý, và “tycoon” của tiếng Nhật nên Tom đề xuất sẽ mượn từ “thương” này để bổ sung vào tiếng Anh.
Sau khi đàm luận với anh về việc dịch sang tiếng Anh những từ, cụm từ trên, tôi rút ra kết luận rằng ngôn từ có rất nhiều giới hạn trong việc truyền đạt thông tin. Ngôn từ là rất tương đối. Tôi trình bày về nguyên lý “tảng băng trôi” trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hai lớp nghĩa là lớp nghĩa khế ước xã hội và lớp nghĩa liên tưởng. Trong đó, nghĩa khế ước xã hội là bề nổi, chỉ chiếm 30%, còn lớp nghĩa liên tưởng thì là bề chìm, chiếm tới 70%. Tôi nói rằng chính lớp nghĩa chìm này mới quyết định sự thành công của quá trình giao tiếp. Chưa nói đến việc dịch một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, kể cả khi người ta cùng dùng một loại ngôn ngữ để giao tiếp thì vẫn xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà hiểu vịt”. Tuy nhiên, lớp nghĩa liên tưởng lại không có một quy luật nào hết. Để hai người có cùng một liên tưởng, tôi nghĩ chẳng có cách nào khác ngoài việc hai người phải trải qua cùng một hoàn cảnh. Nếu họ không hiểu nhau thì chỉ vì hoàn cảnh trải qua của hai người không có sự tương đồng. Tom cho rằng suy nghĩ này của tôi là chính xác. Anh đưa ra một lập luận khác.
Con người ngoài chức năng giao tiếp bằng lời nói còn có các chức năng khác mà họ chưa khai thác triệt để được đó là “trí tưởng tượng” và “trực giác”. Anh nói nếu chúng ta không dùng được các chức năng này trong cuộc sống thì Chúa sáng tạo ra chúng để làm gì. Anh cảm thấy các chức năng này mới đóng vai trò chủ đạo trong việc thấu hiểu nhau còn ngôn từ chỉ là để hỗ trợ. Loài vượn người ngày xưa chưa có ngôn từ, nhưng hoàn cảnh sống khó khăn đã buộc vượn người phải đoàn kết nhiều hơn, do đó phải thấu hiểu nhau nhiều hơn. Ngôn ngữ đã được hình thành và phát triển trong hoàn cảnh đó. Tom chia sẻ rằng anh thấy cả thế giới bên ngoài đang mất dần sự thấu hiểu lẫn nhau, tình đoàn kết do đó cũng dần suy giảm. Ngôn ngữ đang mất dần tác dụng và đã đến lúc loài người phải tìm ra một cách thức hiểu nhau mới. Tôi thấy cảm động khi nghe anh nói điều này. Tôi cũng chia sẻ với anh một suy nghĩ khác của mình. Trung tâm của cơ thể người là trái tim, và trái tim là vô cùng quan trọng. Trung tâm của bộ não là tuyến tùng quả, hay còn gọi là “con mắt thứ ba”. Nó chắc chắn là một bộ phận cũng quan trọng chẳng kém gì trái tim nhưng đã bị thoái hóa đi khi con người ta trưởng thành. Tôi nghĩ đây là manh mối để giải quyết được vấn đề tính tương đối của ngôn từ. Và thế là cuộc nói chuyện của chúng tôi chuyển sang đề tài tâm linh. Nhưng tôi xin được phép chia sẻ với bạn trong một bài viết khác.