Categories: Dịch thuật Tin tức

ỨNG DỤNG CÁC HIỆU ỨNG TÂM LÝ TRONG DỊCH TÀI LIỆU

Làm nghề dịch thuật nói riêng và các nghề nghiệp khác nói chung đều nên hiểu và biết cách vận dụng các hiệu ứng tâm lý để tạo thuận lợi cho công việc. Trong bài viết này, tôi muốn liệt kê và ứng dụng hai hiệu ứng tâm lý rất hữu dụng vào một lĩnh vực cụ thể là lĩnh vực biên dịch.

Hiệu ứng Gió Nam: Hiệu ứng này bắt nguồn từ truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Gió Bắc và Gió Nam thi xem ai thổi rơi được áo khoác của người đi đường. Gió Bắc thổi những luồng gió lạnh đến thấu xương vào người đi đường, kết quả lại khiến họ quấn chặt áo hơn. Gió Nam thổi tới những làn gió dịu nhẹ, cộng thêm có ánh mặt trời tươi đẹp, đã khiến người đi đường cảm thấy như mùa xuân đã tới, và họ cởi áo khoác ra để thưởng thức không khí dễ chịu. Cuối cùng, Gió Nam chiến thắng.

Trong quá trình biên dịch, người đi đường đang mặc áo khoác chính là văn bản nguồn. Bản dịch chính là người đi đường đã cởi chiếc áo khoác đó ra. Có nhiều tài liệu đọc rất khó hiểu chứ chưa nói tới việc chuyển ngữ tài liệu. Thậm chí có lúc hiểu, cũng có thể bị hiểu sai. Muốn hiểu được những tài liệu đó, trước hết bạn cần phải “lựa chiều gió” mà đứng, tức là phải đứng ở phía Nam để có thể “thổi gió Nam”. Trạng thái tinh thần quyết định kết quả hoạt động của trí não. Trí não của bạn không thể mở ra được nếu phải chịu những áp lực tinh thần lớn. Việc bạn nghĩ mình là một nhân viên dịch thuật, làm việc cho sếp, đang phải phục vụ các khách hàng khó tính sẽ khiến bạn thấy căng thẳng, trí não bạn sẽ đóng và khó thấy được nội dung bản dịch hơn. Khả năng liên tưởng của bạn phải mạnh thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của các văn bản khó. Michelangelo cho rằng ông không hề sáng tạo ra tượng thần David vì anh ta đã ở sẵn bên trong tảng đá đó rồi. Điều ông cần làm chính là giải thoát cho David mà thôi. Bản dịch cũng vậy, cũng đã ở sẵn bên trong văn bản nguồn rồi. Tâm có sáng thì trí mới thông. Đừng để tâm bạn sợ hãi, áp lực. Hãy chỉ nghĩ về văn bản nguồn, coi đó là một người bạn mà bạn mới quen. Hãy giao tiếp và đối thoại nhẹ nhàng với văn bản nguồn, rồi chính văn bản nguồn sẽ nói cho bạn biết phải dịch thế nào.

Hiệu ứng tăng giảm: Hiệu ứng này hay được ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh. Theo hiệu ứng này, bất kỳ ai cũng đều hy vọng sự yêu thích, ưu tiên của đối phương dành cho mình “không ngừng tăng lên” chứ không phải “không ngừng giảm đi”. Khi bán hàng, người bán hàng thường lấy một phần nhỏ để lên cân, rồi từ từ “thêm vào, thêm vào” cho đủ số lượng khách hàng cần, chứ không lấy một phần lớn để lên cân, rồi sau đó lại “bớt ra, bớt ra”. Mặc dù cả hai cách đều đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng khách hàng cần, nhưng cách thứ nhất mang tới cho khách cảm giác thỏa mãn nhiều hơn rất nhiều. Dù sao thì hạnh phúc tại tâm chứ có phải tại vật chất đâu.

Khi dịch tài liệu, tôi cảm thấy người dịch hay phải chịu áp lực nhất về khối lượng và thời gian. Áp lực tâm lý luôn tỉ lệ nghịch với chất lượng bản dịch. Để dịch tốt, trước hết, bạn phải giải tỏa áp lực này đã. Dù bản dịch khó đến đâu, bạn hãy dịch liên tục. Những từ và cụm từ không hiểu, sau khi tra cứu vài lần vẫn không ra, bạn bôi đỏ. Những từ và cụm từ đã dịch được nhưng chưa chắc chắn, bạn bôi vàng. Còn những đoạn đã chắc chắn, bạn bôi màu xanh. Thao tác này sẽ giúp tâm lý bạn có cảm giác như bài dịch rất dễ và có thể hoàn thành nhanh chóng. Nhìn lên văn bản, mặc dù có thể những đoạn bôi đỏ, bôi vàng là nhiều, nhưng so với đoạn bôi xanh thì vẫn rất ít. Màu nền xanh đó sẽ giải tỏa áp lực về khối lượng và thời gian cho bạn, giúp đầu óc bạn cởi mở hơn, có khả năng dịch tốt hơn.

Tóm lại, theo tôi, nhận thức là người trưởng thành, còn cảm xúc thì luôn là trẻ con dại dột. Đứa trẻ phá quấy và vòi vĩnh có thể gây ảnh hưởng xấu đến công việc của người lớn. Biết tận dụng các hiệu ứng tâm lý thì sẽ làm đứa trẻ con ngày trở nên “ngoan” hơn, nhờ đó, giúp người trưởng thành làm việc hiệu quả hơn.

5/5 - (1 bình chọn)