Nội Dung Chính
Dịch thuật hẳn là một công việc không hề dễ dàng. Nó rất dễ mắc lỗi dịch thuật nếu bạn hiểu sai ý của tác giả. Thời gian gần đây có khá nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt với dịch thuật cả trong nước và ngoài nước. Một số cuốn từ điển tiếng Việt cũng dính sạn về lỗi ngữ nghĩa trầm trọng, cho tới những tác phẩm văn học nổi tiếng của nước ngoài khi được dịch thuật sang tiếng Việt cũng mắc phải lỗi. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Dịch thuật văn học và dịch thuật ngôn ngữ của chúng ta có chuẩn 100%? Nhân về chủ đề 2 tác phẩm văn học bị dịch thuật sai thời gian gần đây, DỊCH THUẬT Châu Á sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân và nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn.
Hiện, khá nhiều kiệt tác, tác phẩm kinh điển của văn chương, triết học thế giới đã được dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt với mục đích khai trí kiến thức sâu rộng của nhân loại. Song, trước những bản dịch sai “từng xăngtimét”, bạn đọc không thể “nhắm mắt làm ngơ”…
Mới đây, trong cuộc chuyện trò với một số người bạn Nga, khi nghe chúng tôi giới thiệu về một dịch giả tiếng Nga (Dịch giả chuyên dịch thuật tài liệu tiếng Nga sang tiếng Việt) tương đối nổi tiếng ở nước ta, có nhiều dịch phẩm, góp phần giới thiệu văn học Nga ở Việt Nam, có người bạn Nga bất ngờ hỏi: “Thế nhỡ ông nhà thơ – nhà phê bình – dịch giả ấy, khi dịch, đã phóng tác (sáng tác, sotrinhiat) thì sao?”. Câu hỏi ngược này khơi lên nhiều suy nghĩ về độ tin cậy của một bản dịch, về tay nghề một dịch giả nói riêng, chuyện dịch thuật nói chung ở nước ta hiện nay.
Bắt đầu từ ngày 24/11, trên trang mạng xã hội của một người tự nhận là “dịch giả tay ngang, dịch giả số không của Việt Nam”, dưới tài khoản là Thiên Lương đã tiếp tục “mở cuộc tấn công” đợt hai vào một số cuốn sách đủ điều kiện được xếp vào dạng “thảm họa dịch thuật”, bằng việc tổng hợp lại một số ý kiến nhận xét, phê bình của một số nhà văn, nhà nghiên cứu, hay đơn giản, như một số tài khoản tự xưng là người biết ngoại ngữ, hiện đang sống trong và ngoài nước chuyện dịch sai, ẩu,… xung quanh một số cuốn như “Bên phía nhà Swann”, “Emil hay là về giáo dục”…
Một ví dụ cụ thể: Liên quan đến cuốn “Bên phía nhà Swann”: Đây là cuốn đầu tiên trong bộ “À la recherche du temps perdu” – một kiệt tác của nhà văn Pháp Marcel Proust, 100 năm trước, từng là chủ đề tranh luận của nhiều diễn đàn văn học thế giới, được đánh giá là “Kinh thánh văn chương cho mọi tác gia và người đọc văn học”, được dịch qua tiếng Việt dưới tên “Phía bên nhà Swann”.
Để minh chứng cho việc dịch sai, dịch tối nghĩa, dịch như… google dịch của cuốn “Phía bên nhà Swann” – bản dịch tiếng Việt do bốn dịch giả gạo cội của Việt Nam thực hiện làm mất “chất” văn chương – triết lý của đại văn hào Proust, Thiên Lương đã dẫn nhiều câu văn để so sánh, đối chiếu giữa bản gốc tiếng Pháp, bản dịch tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và kết luận: “Sự khác biệt lớn đến nỗi, có thể nói chúng chỉ còn điểm chung là tên tác giả trên trang bìa”.
Còn nhớ, năm 1992, với sự hợp tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, NXB Văn học ấn hành cuốn “À la recherche du temps perdu” với bản dịch của Nguyễn Trọng Định có tên “Đi tìm thời gian đã mất”. Có thể nói, 22 năm qua, với nhiều độc giả Việt không biết tiếng Pháp, cuốn “Đi tìm thời gian đã mất” có một ảnh hưởng nhất định.
Sự ảnh hưởng của tác phẩm này, đặc biệt với một số người viết lách nước ta có thể thấy rõ ở văn phong, tư duy văn chương. Với một cái nhìn so sánh, đối chiếu dưới góc độ tiếng Việt, có thể nói, tiếng Việt trong bản dịch của Nguyễn Trọng Định so với bản dịch của bốn vị dịch giả cuốn “Phía bên nhà Swann” vẫn sáng rõ và dễ tiếp nhận hơn.