Nâng cao kĩ năng dịch thuật đó là vấn đề cần rất nhiều thời gian để tìm hiểu. Tôi bằng kinh nghiệm của mình, thì suy nghĩ như sau :
1. Cấu trúc ngữ pháp và từ vựng đóng góp 50% để có thể dịch thuật tốt.
Phải có nguyên nhân tại sao khi đi học chúng ta phải học ngữ pháp tiếng Việt suốt cấp 2 và cấp 3. Tác giả khi viết một bài thì ngoài việc sử dụng từ ngữ để diễn đạt (động từ, tính từ….từ tượng hình, tượng thanh…). Một từ có thể có nhiều từ loại và có nhiều nghĩa khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau. Ví dụ từ LIKE. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các cấu trúc câu khác nhau để chuyển tải một nội dung nào đó hay thái độ, giọng điệu của mình (câu hoán dụ, ẩn dụ, câu ghép…..). Vì thế mà nói không quá là hiểu rõ cách sử dụng từ ngữ và ngữ pháp đóng 50%. Học bất kì ngôn ngữ nào đều phải chú trọng ngữ pháp và từ vựng (học để sử dụng nhé, chứ không phải học để đi thi như các bác Việt Nam nhà mình) vì nó là cái khung cho toàn bộ những vấn đề còn lại.
Do đó khi đọc một tài liệu nào đó phải chắc chắn rằng hiểu thật rõ trong câu này tác giả sử dụng cấu trúc gì, mỗi từ ngữ trong câu đóng vai trò gì trong câu. Tại sao tác giả sử dụng từ này mà không phải từ kia mặc dù nó đồng nghĩa…..
2. Sự khác biệt về văn phong giữa hai ngôn ngữ (sự khác nhau trong cách sử dụng từ ngữ, ngôn từ, giọng điệu…..), sự khác biệt giữa hai nền văn hóa (văn hóa Mỹ, Anh khác với văn hóa Việt Nam).
Khi học chúng ta cần chú ý để nhận thấy các vấn đề này, nó sẽ rất hữu ích cho việc dịch thuật của bạn và nó đóng góp 30% sự thành công trong bài dịch của bạn đấy nhé.
Ví dụ cụ thể để minh họa nhé :
Đôi khi đọc tài liệu, gặp một câu trong đó cấu trúc ngữ pháp chúng ta biết, từ vựng trong câu cũng biết nhưng vẫn rất khó khăn trong việc hiểu hay dịch một cách xuôi tai. Bởi vì chúng ta có thiên hướng sẽ dịch theo văn phong, cách sử dụng của tiếng Việt. Mà 2 ngôn ngữ có những điểm khác biệt, chúng ta không thể áp dụng như vậy. Phải luyện tập trực tiếp trên các tờ báo của nước Anh và nước Mỹ, tìm xem tại sao người ta sử dụng như vậy mà không sử dụng như thế kia. Khi quen thuộc với văn phong của tiếng Anh rồi, tức là đã nhận ra sự khác biệt giữa 2 ngôn ngữ rồi thì dịch thuật sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Đọc báo tiếng Anh giống như đọc báo tiếng Việt vậy, phải đọc hàng ngày và khi đọc phải thắc mắc tại sao cái này ? Tại sao cái kia?
Có thể đọc ở các trang báo lớn của : Nước Anh : www.dailymail.co.uk; Nước Mỹ : www.forbes.com hay www.sciencedaily.com
Có khi tài liệu đề cập đến một vấn đề nào đó ở Mỹ, Anh hay bất kì một nước nào đó. Và vấn đề đó hoàn toàn xa lạ đối với người Việt Nam. Chúng ta chưa hề nghe đến, biết đến nó thì làm sao dịch thuật đúng được. (Đơn giản như thế này, một bạn học chuyên ngành tài chính ngân hàng được giao dịch 1 tài liệu chuyên ngành kĩ thuật). Sự khác biệt về văn hóa là một điều chúng ta có thể thu hẹp dễ dàng bằng cách học hỏi qua báo chí, phim ảnh….
3. Kinh nghiệm sống, kiến thức cơ bản, kiến thức về những lĩnh vực chuyên sâu đóng góp 20% còn lại.
Một đứa trẻ rất giỏi về ngoại ngữ (xem như đã nắm được 2 phần ở trên) nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều làm sao hiểu được các vấn đề phức tạp của cuộc sống, trẻ sẽ không hiểu hết được các ngụ ý sâu xa của vấn đề.
Kiến thức cớ bản không có thì sẽ không dịch thuật được những lĩnh vực chuyên sâu. Mỗi người có một lĩnh vực sở trường của mình liên quan đến trực tiếp công việc, vì vậy nên thường xuyên học hỏi những kiến thức mới về chuyên ngành của mình để khi gặp tình huống đó, chúng ta cũng giải quyết rất dễ dàng.