Categories: Tin tức

Bức tranh dịch thuật từ một góc nhìn

Gần đây nhất, có một nhận xét ngắn gọn về tình hình dịch văn học thời gian qua như thế này: “Thời gian qua ta đã viết được những gì? Không nhiều. Ta đã dịch đựơc những gì? Cũng chưa có gì là nhiều.

Đó là chưa kể đến chất lượng dịch thuật vốn bị người ta ta thán, nhất là số lượng phát hành của mỗi danh tác nhân loại kia, thấp đến khó tưởng tượng được đối với một đất nước gần 90 triệu dân”.

Trên mặt báo chí khác nhau còn thường xuyên liên tiếp xuất hiện các bài phê phán, kêu ca sách dịch văn học, dịch ẩu, dịch sai, dịch ăn bớt, cắt xén tuỳ tiện, in ấn cũng vậy: cũng ẩu, sai, lỗi nhiều… “Nạn dịch” sách… dịch, đạo văn dịch.

Liên tiếp có những nhận định của nhiều tên tuổi có uy tín về tình trạng dịch tự phát, “vừa thừa vừa thiếu”, dịch “lệch hướng”. Và tổng thể: “chúng ta chậm ít nhất là 50 năm trong chuyện dịch của văn học thế giới”, hơn thế “…không chỉ chậm 50 năm thôi đâu, mà có những tác giả chúng ta chậm 100 năm, hoặc vài trăm năm, đặc biệt tiểu thuyết…”.

Tuy nhiên, nhìn bao quát chỉ khoảng 20 năm hơn kém lại đây, theo tôi nghĩ bức tranh dịch văn học có những thay đổi khá rõ, có nhiều dấu hiệu đáng mừng, đáng cho ta hy vọng, không đến nỗi quá phải bi quan. Bình tĩnh nhìn kỹ ta lại thấy sách dịch có giá trị và được dịch tốt trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, có chiều hướng đi lên rõ ràng. Trong vòng mấy năm qua ta phải kể đến một số công trình dịch thuật sáng giá không ai chối cãi được.

Đó là sự ra đời của những bản dịch tác phẩm cổ điển thế giới, được dịch trực tiếp từ nguyên bản, sauFaust của Goethe do Quang Chiến dịch năm 2001 là Thần khúc của Đantê Alighiêri do Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Italia, năm 2005 xuất bản phần đầu, đến năm 2009 ra trọn vẹn (NXB KHXH, dày 1044 trang). Tiếp đó là Chàng Tadeush hay là vụ cưỡng bức cuối cùng ở Litva của Adam Mikiêvich do dịch giả Nguyễn Văn Thái dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan (NXB HNV + TTVHNN Đông-Tây, 2008).

Một số công trình dịch sách cổ điển của các bậc cao niên cũng là những hiện tượng không thể không nhắc tới, như sau bộ truyện Nghìn đêm lẻ là Nghìn ngày lẻ và 12 sử thi huyền thoại của dịch giả – nhà báo lão thành Phan Quang, hay tập 2 Dưới bóng những cô gái tuổi hoa trong bộ sách 7 tập Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust (1871-1922) do dịch giả lão thành Nguyễn Trọng Định thực hiện, xuất bản trong năm 2006. Hay gần đây nhất là bản dịch Lolita, tiểu thuyết nhiều tranh cãi, độc giả ở ta nhiều người cũng chờ đợi từ lâu, do dịch giả ngoại bát tuần Dương Tường thực hiện.

Có những cuốn sách cũng được bạn đọc và dư luận báo chí đánh giá cao ngay khi ra đời, chẳng hạn Tuyển tập thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX do nhà thơ cựu trào Bằng Việt xuất bản 2005, hay tuyển tập Olga Berggolt của tôi của dịch giả trẻ thế hệ 7X xuất bản năm 2010.

Có thể ghi nhận không dưới trăm đầu sách có giá trị của nhiều dịch giả khác nhau đã được xuất bản những năm gần đây, trong đó có những người đã nổi danh như Dương Tường, Trần Đình Hiến, Trịnh Lữ, Châu Diên,… bên cạnh những tên tuổi hàng loạt dịch giả trẻ đầu 7X, 8X thậm chí 9X, có triển vọng rõ ràng: hàng loạt sách của các tác giả được giải thưởng Nobel trong những năm gần đây như sách của Toni Morrison, Mazio Vargasllosa, Cao Hành Kiện, Orhan Pamuk, hay các tác giả đương đại nổi tiếng như Milan Kundera, Umberto Eco, Ko Un, Salman Rushdie, Paolo Coello, Haruki Murakami, Đới Tứ Kiệt, Mạc Ngôn, Michel Houellebecq, v.v… được dịch kịp thời. Không những thế có những tác giả được dịch và giới thiệu khá đầy đủ (nhà văn Nhật của giới trẻ Haruki Murakami, chỉ từ 2006-2011 đã có 11 đầu sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt; nhà văn Pháp gốc Séc Milan Kundera, “người đi tìm những giá trị hiện sinh”, từ 1999-2010 đã có tới 7 đầu sách được dịch và ra mắt; nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, người được Hiệp hội Nhà văn Châu Á bình chọn là một trong những nhà văn có triển vọng nhất trong thế kỷ XXI – chỉ từ năm 2003 đến 2008 đã có tới 15 đầu sách được dịch và xuất bản ở ta…).

Phải nói rằng càng ngày càng xuất hiện thêm những dịch giả mới có tâm huyết, cặm cụi lao động nhọc nhằn cho ta những tấm gương sáng, đóng góp vào việc lựa chọn sách để dịch và thúc đẩy chất lượng văn học dịch của ta vươn lên, cung cấp cho bạn đọc những tác phẩm thế giới mà ta cần biết, là thành quả của một hướng đang đi lên của dịch thuật Việt Nam.

Hiện tượng Nguyễn Bích Lan, từ một cháu học sinh đang học lớp tám thì bị trọng bệnh, không thể tiếp tục đến trường học, nhưng đủ nghị lức sống, tự học giỏi ngoại ngữ, trở thành cô giáo dạy học, đến khi không thể tiếp tục đứng lớp, lại bắt tay cầm bút dịch sách, cho đến nay Nguyễn Bích Lan đã có trên hai mươi đầu sách dịch, trong đó có bản dịch Triệu phú khu ổ chuột, tác phẩm của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup, đã đem lại cho dịch giả giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và vinh dự trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cùng năm 2010.

Hay dịch giả Nguyễn Thế Vinh, mê James Joyce đến mức, đáng ra phải dồn công sức cho đợt thi sắp đến, lại hoãn, vùi đầu vào dịch tác phẩm mình yêu thích Chân dung một chàng trai trẻ của James Joyce, một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, nhà cách mạng của thể loại tiểu thuyết, ở ta chỉ nghe nói chứ chưa mấy ai được tiếp cận sáng tác của ông. Nguyễn Thế Vinh quyết tâm mở đầu dịch giới thiệu ít nhất lấy một cuốn sách của ông, và bản dịch của anh đã được NXB Thế giới ấn hành năm 2005.

Hay các dịch giả Bùi Thị Loan, Hoàng Long là những trí thức trẻ hiểu biết văn hóa Nhật Bản đã bắt tay vào công việc dịch và giới thiệu văn học Nhật Bản một cách bài bản, trực tiếp từ nguyên bản, Bùi Thị Loan đã dịch và giới thiệu hai tác phẩm của Natsume Soseki (1867-1916) một trong 10 tác gia văn học được đánh giá là quan trọng nhất ở Nhật Bản – Cậu ấm ngây thơ (NXB HNV, 2006) và Tôi là con mèo (NXB HNV, 2011). Còn dịch giả Hoàng Long sinh năm 1980, đã đỗ đại học Đông Phương chuyên ngành tiếng Nhật, thạc sĩ văn hóa học, hiện sinh sống tại Nhật, đã tham gia dịch sách gửi về trong nước xuất bản, bắt đầu từ cuốn sách giới thiệu Kawabata trong tuyển tập tác phẩm xuất bản năm 2005, đến tập nghiên cứu truyện ngắn Murakami Haruki (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006), Tuyển tập thơ Haiku (2008), rồi đi sâu vào dịch và giới thiệu liền một số tác phẩm của Dazai Osamu (1909-1948), cũng nằm trong số 10 tác giả quan trọng nhất như đã nói ở trên, đó là hai cuốn tiểu thuyết: Thất lạc cõi người (NXB HNV & Công ty Nhã Nam, 2011) và Tà dương (2012), và sẽ ra tiếp tiểu thuyết Nữ sinh…

Tương tự như Bùi Thị Loan và Hoàng Long sống ở nước Nhật, có nhiều người Việt học tập, sinh sống ở một số nước khác am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, văn học của nước sở tại cũng đã tham gia vào công việc dịch thuật các tác phẩm văn học sở tại gửi về nước: hình thành một thế hệ mới người dịch trực tiếp từ các ngôn ngữ nguyên tác. Hơn thế nữa, một số người trong số đó lại còn dịch ngược các tác phẩm văn học Việt Nam quảng bá sang ngôn ngữ sở tại.

Nói đến sự phong phú của các tác phẩm văn học dịch một cách nghiêm túc qua mấy nét điểm ở trên, đến đây có thể chuyển sang nói sâu hơn một chút về nét mới ở những người dịch. Tiếp theo hệ dịch giả đàn anh, như đã điểm, một số người vẫn tiếp tục công việc một cách thành công, giờ đây xuất hiện ngày càng nhiều những tên tuổi người dịch các lứa tuổi 6X, 7X, 8X trẻ nối tiếp. Có thể kể ra các dịch giả tiêu biểu của thế hệ 6X như Trần Tiễn Cao Đăng, Hữu Việt, Phan Triều Hải, Thuận (hiện đang sống ở Pháp), thế hệ 7X như Nguyễn Lệ Chi, Đào Bạch Liên, Trang Hạ, Phan An, Phan Việt, Thuỵ Anh, thế hệ 8X, như Cao Việt Dũng, Lương Việt Dũng, Nguyễn Cẩm Phương, Đinh Bá Anh,…

Trong thế hệ những dịch giả trẻ, có những cá nhân “phát tiết” thật sớm. Trước đây có lần tôi nhắc đến hiện tượng Trương Quế Chi, còn là học sinh cấp một đã thể hiện khả năng văn thơ và cả dịch văn thơ nữa. Bây giờ lại có trường hợp của cháu Đỗ Nhật Nam còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. 6-7 tuổi Nam đã giỏi tiếng Anh, đã dịch được sách cho công ty Thái Hà Books. Bất ngờ nhận được bản thảo của Nam dịch cuốn sách Cu Tí khám phá thế giới đưa đến ông giám đốc công ty, một chuyên gia giỏi tới bốn ngoại ngữ phải “bất ngờ vì trình độ tiếng Anh, kỹ năng dịch thuật và khả năng ngôn ngữ của cháu”. Năm 7 tuổi Đỗ Nhật Nam đã được trao danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam.

Phải nói, trình độ dân trí đã cao lên rất nhiều, giới trí thức có học ngày một đông đảo hơn. Chính những dấu hiệu tích cực trên đây là phần lớn nhờ vào sự nỗ lực của đông đảo các cá nhân có tâm, có tài. Nếu lại còn có thêm sự vào cuộc của các tổ chức, của Nhà nước một cách đích đáng như nhiều ý kiến, nhiều kiến nghị đã được đưa ra rất cụ thể, cả ở các Hội nghị toàn quốc những người dịch tháng 7 năm 2004 kia, thì bức tranh có thể còn sáng sủa hơn. Công cuộc đổi mới để mà sống còn, công cuộc hội nhập để mà mở mang, tự nó thúc đẩy mọi chuyện phải chuyển động, phải tiến lên. Đã đến lúc các tổ chức, Nhà nước nên thực sự quan tâm đến những điều sau đây:

– Trước hết là coi trọng đúng mức lĩnh vực sách dịch văn học.

– Có sự đầu tư xứng đáng.

– Không để tự nó phải xoay sở, tự thân vận động, tự thân điều chỉnh.

Những người làm công việc liên quan đến văn học dịch vui vì những gì đã đạt được, và cũng coi đó là thành tựu chung của cả đất nước; nhưng cũng trăn trở, bức xúc, thậm chí đau đớn trước thực trạng còn có những mặt tiêu cực. Vậy thì các tổ chức, kể cả Nhà nước, cũng không thể thờ ơ coi lĩnh vực văn học dịch là “con ghẻ”, là “chuyện nhỏ”, là việc của mấy anh chị dịch thuật, mấy nhà làm sách. Chẳng hạn cụ thể, hãy tạo điều kiện để những dự án “Tủ sách” 100 tác phẩm, 300 tác phẩm, 500 tác phẩm được thực hiện.

Những lời ta thán, báo động về thực trạng yếu kém của dịch thuật nay thường xuyên được đưa lên mặt báo, trên các phương tiện truyền thông, phần lớn chính là sự trăn trở của những người trong cuộc, của chính các dịch giả, nhà văn, nhà thơ… Tự mình đưa ra chỉ trích mình và sau đó tự mình lại âm thầm khắc phục lấy.

Xem Thêm:  Dịch thuật công chứng

5/5 - (1 bình chọn)